Việt Nam mặc dù là nước xuất khẩu cà phê Robusta đứng đầu thế giới, nhưng chất lượng cà phê chưa cao, thiếu ổn định. Đặc biệt, ngành cà phê đang đối mặt với thách thức lớn khi diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng lại tăng cao (diện tích cà phê trên 20 năm tuổi cần tái canh đến năm 2020 lên đến 200 nghìn héc ta). Do vậy, cần nhanh chóng thực hiện và thực hiện hiệu quả việc tái canh cà phê. Muốn vậy, cần chuẩn bị tốt giống cây trồng, xử lý đất trồng theo quy trình chặt chẽ, quản lý tốt mô hình tái canh để chọn ra giải pháp tối ưu và nhân rộng mô hình. Đặc biệt, cần xây dựng định hướng canh tác cây cà phê theo hướng hữu cơ, sinh học làm tiền đề cho sự phát triển chuỗi giá trị cà phê một cách bền vững.
Để phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam cần hướng sự hỗ trợ đến hai lĩnh vực chính là tái cơ cấu ngành hàng cà phê nhằm nâng cao khả năng tổ chức của ngành cà phê từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất cà phê bền vững cấp cơ sở. Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn và Chương trình cà phê bền vững đã làm việc với Cục Trồng trọt để chuẩn bị đề án đổi mới tổ chức ngành cà phê. Tây Nguyên là khu vực canh tác cà phê trọng điểm của Việt Nam. Số lượng lớn hộ sản xuất cà phê quy mô nhỏ làm nảy sinh nhiều vấn đề như chất lượng cà phê thấp, nông dân gặp khó khăn trong việc giao dịch mua vật tư đầu vào và bán cà phê. Hầu hết các hộ nông dân canh tác độc lập và thiếu sự liên kết với nhau, khiến việc quản lý chất lượng càng trở nên khó khăn. Theo đó cần chú ý đến việc thành lập các tổ chức nông dân trồng cà phê và các tổ chức nhà kinh doanh nhỏ cấp tỉnh ở một số tỉnh.